Ông Đào Trọng Thi nói: “Game online nói riêng cũng như internet nói chung có cả phần tích cực và tiêu cực, nhưng tôi cho tích cực là chính, vì vậy khi giải quyết vấn đề này phải quan làm sao hạn chế được tiêu cực nhưng mặt khác phải phát huy được những tích cực của nó”.
Điều này theo ông Thi là không dễ làm, tuy nhiên “rõ ràng, đó là những thành tựu của nhân loại, mình lẩn tránh hay cấm đoán là không nên. Nếu là giải pháp lâu dài thì không nên dùng biện pháp hành chính hạn chế, cấm đoán”.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi đánh giá, game online cũng mang lại nhiều tác động tích cực, đặc biệt là cho năng lực sử dụng CNTT của giới trẻ tốt lên.
Ông lưu ý: “Chính chúng ta có một thời rất sợ internet. Mà thế hệ người nhiều tuổi hiện nay không biết sử dụng internet cũng là một điều đáng tiếc, trong khi điều này hiện nay lại là một thế mạnh của giới trẻ”.
Hơn nữa, ông Thi cho rằng, bây giờ chúng ta muốn cấm thì cũng khó, bởi thực tế vẫn có rất nhiều game lậu.
“Đừng nghĩ tuyên bố cấm một cái là mọi chuyện tốt đẹp, là ngăn chặn được hết. Phải nói rằng những biện pháp quản lý hành chính cấm đoán là những giải pháp dễ nhất. Tuy đó chỉ là giải pháp là tình thế nhưng trong từng thời điểm, phải cân nhắc kỹ để không cản trở mặt tốt mà hạn chế được mặt tiêu cực”.
Cho rằng những hành vi bạo lực hiện nay trong giới trẻ không chỉ có nguyên nhân từ game online, nhưng Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng nhắc nhở: “Tuy vậy, tôi nghĩ game online cũng là một lý do quan trọng”.
Giải pháp quản lý ở một số nước phát triển thường thiên về mặt kỹ thuật và xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp. “Các nước phát triển họ không quản lý bùng nhùng như của chúng ta. Theo tôi, hướng giải quyết cho vấn đề này là mình phải có cách quản lý định hướng sao cho các nhà cung cấp game online làm ra những game vừa hấp dẫn lại vừa tích cực, lành mạnh hơn cho giới trẻ”.