Trường trung học phổ thông Ba Đình được thành lập tháng 8 năm 1963. Lúc thành lập trường mang tên: "Trường phổ thông cấp III Nga Sơn". Tháng 12 năm 1986, nhân dịp kỉ niệm 100 năm khởi nghĩa Ba Đình, trường được đổi tên thành: "Trường trung học phổ thông Ba Đình". Trải qua 45 năm xây dựng, nhà trường đã trở thành một trong những niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện Nga Sơn, có vị thế xứng đáng trong ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hoá và cả nước.
Năm học đầu tiên (1963 - 1964) trường chỉ có 3 lớp với 120 học sinh trong đó có 1 lớp 9 được tách ra từ trường cấp III Hà Trung và 2 lớp 8 tuyển mới, đội ngũ thầy cô giáo chỉ có 9 người. Thầy Lại Văn Tấn được chỉ định làm Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường.
Trong giai đoạn từ 1963 đến 1986, mặc dù trong điều kiện chiến tranh, và khắc phục hậu quả chiến tranh nhưng do cả huyện chỉ có 1 trường cấp III và nhất là với tinh thần hiếu học nên quy mô của nhà trường không ngừng tăng lên. Cao điểm, năm học 1981 - 1982, nhà trường có tới 115 cán bộ, giáo viên, 51 lớp với tổng số 2836 học sinh. Do chỉ mới xây dựng được 4 căn nhà cấp IV với tổng số 20 phòng học nên phụ huynh phải đóng góp tranh, tre, bổi cói dựng những lán tạm làm phòng học, nhiều lớp phải học vào buổi trưa hoặc buổi tối dưới những ngọn đèn hoa kì thắp bằng dầu madut, sân trường là một bãi cát nóng bỏng không có lấy một bóng cây. Trong những năm đầu của thập niên 80, có những lúc tưởng như đã lâm vào ngõ cụt, tình trạng học sinh bỏ học tràn lan, chất lượng giáo dục sụt giảm, có năm cả trường chỉ duy nhất 1 học sinh đỗ đại học, phòng học dột nát, bàn ghế là những đoạn tre, luồng ghép lại hoặc bằng ximăng...
Thế nhưng cùng với sự Đổi mới của đất nước đồng thời với những kinh nghiệm đã tích luỹ được, với những trăn trở trên tinh thần đoàn kết gắn bó tâm huyết với nghề nghiệp với sự nghiệp giáo dục của huyện nhà, tập thể sư phạm nhà trường chẳng những đã trụ vững trong những thời điểm khó khăn mà còn vững bước đi lên.
Có thể nói những năm cuối của thập kỉ 80 và những năm của thập kỉ 90 là những năm vừa hoàn thành nhiệm vụ trước mắt vừa chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển vượt bậc của nhà trường sau này. Về cơ sở vật chất, nhà trường đã xây dựng thêm được hai dãy nhà học hai tầng có 20 phòng học đủ chỗ để học 1 ca, khu hiệu bộ bán kiên cố có hội trường 100 chỗ và phòng làm việc của Ban giám hiệu, xây dựng được tường rào bao quanh chắc chắn, cải tạo được cảnh quan môi trường...Đặc biệt là về đội ngũ cán bộ và thầy cô giáo, lúc này Ban giám hiệu gồm có thầy Mai Xuân Hảo là hiệu trưởng, thầy Trần Ngọc Chinh là phó hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ (sau này là Đảng bộ) phụ trách cơ sở vật chất, thầy Mai Ngọc Khanh là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sau này (năm 1992) là Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Đình Phùng là phó hiệu trưởng. Các thầy đều là giáo viên giỏi và trưởng thành từ nhà trường nên vừa tâm huyết vừa hiểu rõ nhà trường hơn ai hết. Chính vì thế nhà trường đã vừa bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực của các giáo viên hiện có vừa thu hút được những giáo viên giỏi từ nơi khác về làm cho đội ngũ các thầy cô giáo của nhà trường "mạnh" hơn hẳn so với trước đây. Về công tác chuyên môn, nhà trường đã tổ chức tốt công tác tuyển sinh, hạn chế tối đa được hiện tượng ném bài, đảm bảo chọn được chính xác đối tượng học sinh, tiến hành sắp xếp các thầy cô giáo, các em học sinh vào các lớp một cách phù hợp, tổ chức tốt việc nâng cao chất lượng đại trà, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh thi đại học, phụ đạo học sinh yếu kém. Do đó, nhà trường đã gặt hái được những thành tích rất phấn khởi. Kể từ năm học 1986 - 1987 trở đi nhà trường liên tục được công nhận là trường tiên tiến suất sắc hoặc tiên tiến suất sắc dẫn đầu ngành giáo dục của tỉnh, năm 1991 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, năm 1996 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì. Từ chỗ chỉ có 4 học sinh đỗ vào đại học và cao đẳng ở năm học 1981 - 1982 thì đến năm học 1998 - 1999 con số này đã là 204. Năm 1993 nhà trường có em Mai Viết An đạt giải ba Quốc gia môn Hoá học và kể từ đó liên tục cho đến năm 1999 nhà trường đều có học sinh đạt giải Quốc gia, riêng năm 1994 đạt tới 3 giải nâng tổng số giải lên 11 giải trong vòng 7 năm. Trong giai đoạn này thầy Mai Xuân Hảo và thầy Mai Văn Đính được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nhiều thầy cô giáo khác của nhà trường được công nhận danh hiệu "Giáo viên giỏi cấp tỉnh".
Trên nền tảng đã được xây dựng khá vững chắc từ những giai đoạn trước, có thể nói, nhà trường đã có sự phát triển vượt bậc kể từ những năm 2000 trở lại đây.
Về cơ sở vật chất, nhà trường tiếp tục xây thêm được nhà tập đa năng, 1 dãy nhà 2 tầng và 1 dãy nhà 3 tầng gồm có 25 phòng học nâng tổng số phòng học kiên cố lên 45 phòng. Do chỉ có 36 lớp nên 1 dãy nhà 2 tầng gồm 10 phòng đã được dành riêng để bố trí các phòng chức năng và phòng học bộ môn như phòng nghe nhìn, Tin học, thực hành Lý, Hoá, Sinh, phòng điều hành, thư viện...kèm theo đó là các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho giảng dạy được trang cấp và mua sắm thêm. Các công trình khác như khu giáo dục thể chất, sân chơi, bồn hoa, cây cảnh đều được củng cố và nâng cấp làm cho khung cảnh nhà trường thực sự "xanh, sạch, đẹp".
Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục được nâng cao. Năm 2000, thầy Mai Ngọc Khanh được quyết định nhận chức phó Chủ tịch uỷ ban nhân huyện Nga Sơn, thầy Nguyễn Đình Phùng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đồng thời thầy Bùi Nga được bầu là Bí thư Đảng bộ và được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng. Thầy Mai Văn Đính vinh dự được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân". Bên cạnh các thầy cô giáo cao tuổi, giàu thành tích, giàu kinh nghiệm, nhiều thầy cô giáo trẻ được bổ sung....Công tác quản lý, tổ chức dạy và học có nhiều đổi mới, vai trò của các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, công đoàn, nữ công... được phát huy mạnh mẽ đã tạo nên một tập thể đoàn kết, gắn bó dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Ban giám hiệu. Các hoạt động của nhà trường cũng trở nên đa dạng hơn.
Chính vì thế, nhà trường đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất (2001), liên tục trong ba năm (2002, 2003, 2004) được nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, được công nhận là trường chuẩn Quốc gia, được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động trong thời kì đổi mới" (2005), được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba (2008). Thầy Nguyễn Đình Phùng và thầy Mai Văn Đính được bầu là "Chiến sỹ thi đua toàn quốc (2006). Năm 2007, thầy Nguyễn Đình Phùng đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá XII và được cử làm phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá. Về chất lượng giáo dục, nhà trường tiếp tục đạt thêm 8 giải Quốc gia và khu vực, có 1 học sinh tham dự thi chung kết năm cuộc thi "Đường lên đỉnh Olimpia", tỉ lệ học sinh lớp 12 đỗ đại học và cao đẳng lên đến hơn 50% trong đó có 1 học sinh thi đại học đạt 3 điểm 10 (2003), nhiều học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học. Mỗi năm đạt từ 80 đến hơn 100 giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Từ năm học 2006 - 2007, nhà trường đã có nhiều thay đổi. Nhiều thầy cô giáo giỏi, cao tuổi được nghỉ hưu, đội ngũ giáo viên nhà trường được "trẻ hoá", thầy Bùi Nga được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng và tiếp tục giữ cương vị Bí thư Đảng bộ, thầy Phạm Xuân Dinh và cô Nghiêm Thị Lan được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng đồng thời đây cũng là năm nhà trường phát động thi đua lập thành tích chào mừng kỉ niệm 45 năm thành lập trường (1963 - 2008). Kết quả năm học 2006 - 2007 nhà trường đã đạt được thành tích:
Giải học sinh giỏi cấp tỉnh: 116 giải trong đó có 4 giải nhất, 21 giải nhì, 47 giải ba, 44 giải khuyến khích, 1 giải ba Quốc gia môn Lịch sử, 1 giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo trẻ khu vực Đông Nam Á, 1 giải khuyến khích khu vực miền Bắc giải toán nhanh bằng máy tính cầm tay, 1 giải nhì sáng tạo trẻ khu vực miền Bắc.
Có 361 lượt học sinh thi đỗ vào các trường đại học trong đó em Bùi Đức Ngọt đỗ thủ khoa hai trường ( đại học Y Hà Nội và đại học Cảnh sát nhân dân). Với không khí hào hứng phấn khởi chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 45 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba, năm học 2008 - 2009, cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đang hăng hái thi đua dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt và chắc chắn sẽ đạt được thành quả như mong muốn, góp phần quan trọng vào trang sử vẻ vang và nâng cao vị thế của nhà trường.
Trích: GV.Trần Tuấn Hùng (THPT Ba Đình) 17/02/2009